Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 – 14/10/2022)
Ngày cập nhật 14/10/2022

       Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập hội nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022). Ban chấp hành hội nông dân phường Hương Chữ trân trọng gửi tới toàn thể nhân dân bài tuyên truyền kỷ niệm 92 ngày thành lập hội nông dân Việt Nam.

 

 

 

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Vào đầu năm 1920sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt gần 1 triệu ha ruộng đất của nông dân, địa chủ phong kiến chỉ khoảng 2% dân số cả nước nhưng chiếm đoạt khoảng 51% ruộng đất canh tác. Nông dân chiếm trên 90% dân số nhưng chỉ có khoảng 36% ruộng đất, trong đó gần 60% số hộ không có ruộng đất.

Phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, sưu thuế, tô tức nặng nề của nông dân còn mang tính tự phát và bước đầu có sự lãnh đạo của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Việt Nam Quốc dân Đảng. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân được tôi luyện trưởng thành và xuất hiện những người con ưu tú, hình thành nhiều tổ chức như: Phường lợp nhà, Phường hiếu hỉ, Phường tương tế... để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ 20, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương.

Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng-Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa, đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10 năm 1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, Luận cương nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương, họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Luận cương vạch rõ: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày để tranh đấu và bênh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới giành quyền lãnh đạo dân cày được”.

Tại Hội nghị quan trọng này đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”.

Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù về danh nghĩa Hội Nông dân Việt Nam vẫn chưa được thành lập, nhưng các tổ chức Nông hội vẫn tiếp tục hoạt động dưới hình thức tổ chức Nông hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay.

Ngày 20 tháng 3 năm 1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ, trong đó khẳng định vai trò to lớn của Nông hội trong cách mạng, giai cấp nông dân “là một lực lượng chính của cách mạng”.

Tháng 3 năm 1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới, tên của các tổ chức quần chúng đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Nông dân có tổ chức chính là Nông hội, có thể tổ chức nhiều hội như Hội tương tế, ái hữu, hợp tác xã, hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội góp họ, hội chèo, nhóm học quốc ngữ...đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình.

Năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu...Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp''. Qua phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công.

Thực hiện chủ trương của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tiến công chính, đánh mạnh vào kế hoạch “Bình định cấp tốc” của địch, giữ đất, giành dân, Nông hội đã chủ động giáo dục hội viên khắc phục tư tưởng nôn nóng, thoát ly thực tế muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là phải ''giành dân, giành đất, phát triển thế và lực của ta". Nông dân liên tục nổi dậy phá rã, phá banh nhiều khu dồn dân, phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ trên nhiều địa bàn quan trọng.

Tháng 9 năm 1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị 78 về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.

Từ thực tiễn kinh tế - xã hội, ở nông thôn đã xuất hiện những nhân tố mới thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của cán bộ cơ sở, như ở Hải Phòng, Vĩnh Phú. Trên cơ sở thực tiễn “khoán chui”, Đảng ta đã tổng kết và ra "Chỉ thị 100'' với nội dung cơ bản là "khoán sản phẩm', mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 đã ''cởi trói'' cho phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân. Tuy mới là giải pháp tình thế, nhưng "Khoán sản phẩm” đã có hiệu quả thực sự.

Ngày 01 tháng 3 năm 1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Tại phiên họp ngày 17 tháng 01 năm 1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt NamĐến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua 07 kỳ Đại hội.

Kính thưa toàn thể nhân dân! Thưa toàn thể các đồng chí cán bộ, hội viên nông dân!

Hiện nay, các cấp Hội Nông dân đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào của hội và hưởng ứng phong trào: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Hội Nông dân Việt Nam. Cán bộ, hội viên Hội nông dân phường Hương Chữ đã tích cực, hăng hái thi đua lập nhiều thành tích góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân phường nhà, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tích cực tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cần cù lao động, hăng say sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia xây dựng tổ chức hội vững mạnh, truyên truyền đến cán bộ, hội viên các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các quy định của pháp luật. Tích cực tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và nông dân chủ trương của cấp ủy, Chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện các đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Hương Chữ, nhiệm kỳ 2020-2025, Hội tích cực tuyên truyền phát động nhân dân hiến đất, hiến tài sản trên đất, đóng góp ngày công …để mở rộng và xây mới các tuyến đường kệt, xóm; bắt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tích cực tuyên truyền vanajn động nhân dân đồng thuận với chủ trương giải phóng mặt bằng để phục vụ  làm đường giao thông, tích cực chăm lo, động viên, thăm hỏi hội viên khi ốm đau, phúng viếng hội viên khi qua đời. Giúp đỡ, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để cán bộ, hội viên thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ủy thác cho hội viên được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt Hội đã hỗ trợ cho các hộ nông dân vay vốn mua các loại máy nông nghiệp để phục vụ trong sản xuất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Với truyền thống của quê hương, cùng với những kết quả trong công tác hội đã đạt được những năm qua. Ban chấp hành hội nông dân phường Hương Chữ tiếp tục phát động toàn thể nhân dân vào tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội, cán bộ hội viên tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng quỹ “Hỗ trợ nông dân”, quỹ “Khuyến học”, quỹ “Tình thương” với mục đích thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ hội viên nông dân, thể hiện vai trò của tổ chức hội đối với hội viên. Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc và trực tiếp đến hội viên. Ban chấp hành hội rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cán bộ hội viên nông dân toàn phường, từ đó góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu HND phường lần thứ VIII nhiệm kỳ 2018-2023

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2022 là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.209.512
Truy cập hiện tại 21