+ Đất trồng: Chọn những nơi đất cao hoặc ruộng không bị ngập nước. Đối với ruộng thấp trước hết phải làm đất, lên luống cao ráo, có mương rãnh thoát nước tốt.
Đất phải làm sạch cỏ, tơi xốp nhưng không nên quá nhuyễn vì khi đất mịn ra gặp mưa to dễ dẫn đến đất bị kết lại, đất mặt nén chặt xuống sẽ làm cho rau bị nghẹt rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển.
.Xung quanh khu trồng cần củng cố bờ bao vững chắc và có bố trí máy bơm thoát nước vào những ngày mưa lớn.
+ Kỹ thuật gieo hạt giống:
Bón tăng cường thêm khoảng 30 - 40 kg vôi/sào nhằm khắc phục độ chua, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất và cung cấp thêm lượng can xi để cây trồng cứng cáp, phòng chống có hiệu quả đối với các bệnh thường gặp vào mùa mưa.
Tốt nhất phân chuồng ủ với 5% supe lân trong 2 tháng. Rải phân chuồng đều trên mặt luống, dùng cuốc đảo đều san theo hình mu rùa.
Chuẩn bị rơm, rạ mục cắt ngắn 2-3cm. Sau khi gieo hạt rau, rải một lớp rạ đã cắt ngắn lên trên mặt luống. Lớp rạ giúp lớp đất xung quanh cây rau con mới nảy mầm được tơi xốp, không bị xói mòn hoặc ghí chặt khi gặp mưa to. Đồng thời chuẩn bị cót tre và khung tre uốn theo hình vòm cống để che cho rau giống nếu gặp mưa to trong 4-5 ngày đầu.
+ Bón phân:
Nên tưới thúc cho rau 1 lần lúc rau có 1-2 lá thật bằng phân vô cơ với lượng: 3kg supe lân + 1,5kg ure + 1,5kg kali. Pha loãng hỗn hợp phân trên với 60-80 lít nước sạch để tưới cho 1sào.
Những đợt tiếp theo bà con bón theo kỹ thuật đang áp dụng sản xuất rau trên đại trà.
+ Phòng trừ bệnh hại: Mùa mưa thường độ ẩm đất và không khí tăng cao đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh héo xanh, nấm gây bệnh lở cổ rễ, đốm lá, sương mai, thán thư, …hại rau. Bà con nên phòng trừ các bệnh nói trên khi bệnh mới chớm xuất hiện, đặc biệt sau các đợt mưa rét kéo dài gặp nắng ấm.
Một trong số loại thuốc phòng trừ nấm lở cổ rễ và các bệnh nói trên hiệu quả như Amistar top 250EC; Anvil 10EC; Nativo 750SL; Tilt-Supe 300ND...