Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nguy cơ từ việc đốt rơm rạ, phơi thóc lúa trên đường trong mùa gặt
Ngày cập nhật 19/08/2024

 

 

“Đến hẹn lại lên”, mùa gặt lúa nào cũng vậy, tình trạng người dân đốt rơm rạ, phơi thóc trên các tuyến đường giao thông lại xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người và trật tự an toàn giao thông.

Mỗi mùa thu hoạch đến gần, lẫn trong niềm vui của bà con nông dân khi mùa màng bội thu là tâm trạng lo âu của các cơ quan quản lý, của người dân khi tình trạng đốt rơm rạ, phơi thóc lúa vẫn diễn ra tràn lan tại khắp các địa phương trên cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Đốt rơm rạ, “lợi bất cập hại”

Các chuyên gia của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, rơm rạ cháy không hết hoàn toàn gây ra Aldehydes và khi rơm rạ cháy cũng sinh ra bụi mịn. Khói mù có lẫn Aldehydes và bụi mịn sẽ khiến người dân cảm thấy cay mắt.
 

 Các nhà khoa học cho biết, thành phần các chất gây ô nhiễm không khí do đốt rơm, rạ, tác động đến sức khỏe con người là hydrocacbon thơm đa vòng (viết tắt là PAH); dibenzo-p-dioxin clo hoá (PCDDs) và dibenzofuran clo hoá (PCDFs), là các dẫn xuất của dioxin rất độc hại, có thể là tiềm ẩn gây ung thư. Vào những ngày nắng, nóng, oi bức hoặc đứng gió, không khí không được luân chuyển, khói rơm rạ tụ lại ở lớp không khí sát gần mặt đất. Cùng với khói xe cộ, khói rơm rạ sẽ tăng thêm nồng độ các chất ô nhiễm độc hại trong không khí. Người hít phải không khí có các chất độc ô nhiễm này sẽ bị kích thích đường hô hấp trên gây ra viêm mũi họng hoặc đường hô hấp dưới gây co thắt phế quản, viêm phổi. Đặc biệt đối với người già, trẻ em và người có tiền sử mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.

Việc đốt rơm, rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng gây bất lợi rất lớn cho đồng ruộng. Các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất biến thành các chất vô cơ do nhiệt độ cao, đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi do nhiệt độ hun đốt trong quá trình cháy rơm, rạ. Ngoài ra, nhiều nơi còn vứt rơm, rạ xuống ao ngòi gây ô nhiễm môi trường nước và làm chết các vật nuôi thuỷ sản.

Mất trật tự an toàn giao thông từ tuốt lúa, phơi thóc lúa, rơm rạ

Tại nhiều tuyến đường, vào vụ thu hoạch, việc tuốt lúa, phơi rơm, thóc đã gây cản trở và mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Khi đi qua những vùng có phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường, người điều khiển phương tiện không quan sát được mặt đường, đâm vào ổ trâu, ổ gà hoặc gạch, đá xếp trên đường gây tai nạn.

 

Việc lấn chiếm lòng đường để phơi thóc gây tắc nghẽn và nguy hiểm đối với các phương tiện giao thông khi lưu thông qua. Bên cạnh đó, người thóc trên đường cũng có nguy cơ tai nạn rất cao bởi các phương tiện giao thông đâm vào…

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 34 ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi phơi lúa, rơm rạ, nông lâm, hải sản trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng; bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù quy định rất rõ ràng nhưng người dân vẫn thờ ơ không chịu thực hiện.

Biện pháp khắc phục

Để hạn chế hiện tượng trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng những tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe và việc phơi thóc trên đường giao thông. Đồng thời hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân các giải pháp phơi thóc, phù hợp để người nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm, góp phần giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường giao thông trong mỗi mùa thu hoạch hàng năm; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe.

Được biết, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã áp dụng thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Đây là cách mà bà con nông dân dễ dàng thực hiện ngay trên chính đồng ruộng của mình. Sau vụ gặt thu gom rơm rạ vào một góc ruộng; hòa chế phẩm vi sinh (Viện Công nghệ sinh học cung cấp) cùng với nước và phân NPK tưới lên đống rơm rạ, che phủ bằng nilon trát bùn kín. Sau 3 tuần, rơm rạ mủn trở thành loại phân bón rất tốt cho cây trồng, đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất. Dùng phân này bón lót sẽ giảm 30% lượng phân hóa học và tăng năng suất cây trồng lên đến 7%.

Rơm rạ còn là nguyên liệu trồng nấm, mang lại lợi ích kinh tế cao, đầu tư thấp. Ngoài việc dùng trồng nấm, sản xuất phân bón hữu cơ, rơm rạ còn được dùng làm vật liệu xây dựng, làm bê tông siêu nhẹ, đệm lót vận chuyển hàng hóa dễ vỡ, vận chuyển hoa quả… Việc sử dụng rơm rạ cho sản xuất năng lượng gồm nhiên liệu sinh khối rắn, nhiên liệu sinh học, đóng bánh, sản xuất bột giấy…là phương pháp tận dụng tối ưu./.

Bài viết có sự tham khảo của Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.194.548
Truy cập hiện tại 1.630