Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Ý nghĩa lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ
Ngày cập nhật 01/02/2023
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ quan tâm thường xuyên và sâu sát đến vấn đề trồng cây gây rừng. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho Nhân dân, đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Từ chặng đường hoạt động cách mạng khó khăn gian khổ, Người đã chú ý tìm kiếm, lựa chọn và tạo ra một môi trường cây xanh quanh nơi mình sống, làm việc. Những ngày đầu kháng chiến, tại căn cứ địa Việt Bắc, nơi ở của Bác thường gắn với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng... và có một mảnh đất để tăng gia trồng rau… Dù trong gian khổ, Bác Hồ đã có ý thức trong việc trồng cây, bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để xây dựng căn cứ địa lâu dài phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Cuộc sống của Người luôn gắn bó, gần gũi với thiên nhiên.
 
Người coi thiên nhiên như một người bạn thân thiết. Trở về Hà Nội làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch sau ngày kháng chiến thành công, Bác Hồ đã sống và làm việc trong ngôi nhà sàn giản dị ở giữa vườn cây xanh mát. Người đã trồng cây, nuôi cá ở giữa Thủ đô và ngay giữa những lúc bận rộn trăm công nghìn việc vì nước, vì dân, giữa những ngày đất nước còn bị chiến tranh chia cắt, Bác vẫn sống hoà mình với thiên nhiên, như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh thanh thản ứng xử với mọi biến cố phức tạp. Cũng từ đó Bác đã đưa ra nhiều quan điểm về môi trường, đặc biệt là vấn đề trồng cây góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân từ rất sớm. Và Người đã chọn việc bảo vệ và trồng cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngày 28/11/1959, hướng tới kỷ niện 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, Bác Hồ phát động Tết trồng cây.
Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta…”.
 
Ngày 27/01/1963, Bác Hồ viết bài “Tết trông cây” với bút danh TL, đăng trên Báo Nhân dân. Người nhấn mạnh ý nghĩa to lớn về chính trị của Tết trồng cây: “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị to lớn, khi Mĩ / Diệm dùng thuốc độc phá hoại cây cối ở miền Nam. Thì ở miền Bắc Nhân dân ta đang thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”.
 
Trong nhiều bài nói và viết, Bác luôn luôn căn dặn Nhân dân ta, bên cạnh việc tích cực trồng cây, gây rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và chớ lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo Mhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự  phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng nhiều đến khí hậu, đến đời sống sản xuất. Đồng thời, Người kêu gọi Nhân dân phải có kế hoạch trồng rừng và phải tích cực bảo vệ rừng... như bảo vệ nhà cửa của mình.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà còn bằng những hành động, việc làm cụ thể của Người. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Người lại tham gia trồng cây. Mùa xuân năm 1960, Bác đã tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
 
Ngày 03/02/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong hội Tết trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Mùa Xuân năm kỷ Dậu 1969, sáng mồng Một Tết, tuy lúc đó sức khoẻ yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn lên chúc tết đồng bào Sơn Tây và tham gia trồng cây lưu niệm ở đồi Vật Lại, Ba vì, và căn dặn bà con: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên ta phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi...” .
 
Đến mùa thu năm ấy Bác, Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác lại một lần nữa nhắc tới trồng cây bên nhà tưởng niệm Người vì môi trường tốt đẹp hữu ích: “…Ai đến thăm thì trông một cây lưu niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
 
Nhận thức được giá trị thiết thực và ý nghĩa cao đẹp từ bài học “Tết trồng cây” mà Bác Hồ phát động, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang ra sức hưởng ứng thông qua những hành động cụ thể như: phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về ý nghĩa của cây xanh đối với môi trường, vận động Nhân dân tích cực tham gia trồng cây xanh khu vực sinh sống và làm việc; tích cực hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh,… Đó là những hành động thiết thực góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa, đi vào cuộc sống.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.212.396
Truy cập hiện tại 581