Vụ Đông Xuân 2023-2024, kế hoạch toàn thị xã gieo cấy 1.700ha lúa, gieo trồng 680ha lạc, 600ha sắn, 75ha ngô, 430ha rau và 110ha đậu các loại. Đến nay, cây lúa đã gieo cấy xong, cây lạc đã trồng khoảng 320ha, sắn trồng khoảng 350ha, ngô khoảng 10ha và rau màu khoảng 60ha,… Qua điều tra theo dõi trên đồng ruộng đã phát hiện ốc bươu vàng gây hại cục bộ các vùng ruộng thấp trũng, diện tích nhiễm khoảng 100ha, mật độ phổ biến thấp 1- 3 con/m2, nơi cao 5- 10con/m2, giai đoạn ốc non- trưởng thành. Chuột gây hại rải rác, tỷ lệ hại 1- 3%, nơi cao 5- 10%. Số lượng thuốc hoá học đã sử dụng khoảng 130kg. Trên cây rau có sâu xanh da láng hại hành, sâu đục quả đậu, bọ nhảy hại rau cải rải rác,...
Thời gian tới thời tiết còn diễn biến phức tạp, lúa trà đầu đi vào giai đoạn đẻ nhánh, một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, phát triển và sẽ gây hại trên diện rộng nếu không tích cực chỉ đạo phòng trừ. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đề nghị UBND các xã, phường, các HTXNN trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đối với cây lúa
- Tranh thủ thời tiết nắng ráo, tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ trên đồng ruộng; bón phân thúc sớm, bón cân đối đạm, lân, kali giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe ngay từ đầu vụ, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện thời tiết bất lợi.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại. Dự báo bệnh đạo ôn sẽ phát sinh, gây hại mạnh ngay sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhất là lúa trà đầu, giống nhiễm JO2, khi phát hiện bệnh phải phun trừ kịp thời bằng Beam 75WP, Trizole 20WP,… Ốc bươu vàng sẽ gây hại trên trà muộn, đặc biệt là các vùng ruộng thấp trũng, gần kênh mương, khi phát hiện ốc gây hại với mật độ cao thì phun trừ bằng các loại thuốc như Viniclo 700WP, Pazol 700WP,... hoặc dùng thuốc Map Passion 10RG trộn với phân để kết hợp bón thúc.
- Tiếp tục tổ chức đánh bắt chuột bằng các biện pháp tổng hợp như sử dụng bẫy lồng, bẫy kẹp kết hợp sử dụng thuốc hóa học như Racumin TP 0.75, Storm 0.005%,... quanh bờ ruộng, đê đập, cồn mồ.
- Đối với các vùng ruộng thấp trũng, cần kiểm tra và có biện pháp chủ động tiêu úng kịp thời nếu có mưa lớn bất thường xảy ra.
2. Đối với các loại cây trồng ngắn ngày khác
- Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nắng ấm để tiếp tục làm đất, gieo trồng sắn, lạc, ngô, rau màu,... đảm bảo theo kế hoạch và đúng khung lịch thời vụ của UBND thị xã; làm cỏ, xới xáo, bón phân thúc kịp thời đối với diện tích gieo trồng sớm để cây sinh trưởng phát triển tốt.
- Theo dõi và phòng trừ bệnh héo rũ hại lạc ngay khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc như Anvil 5EC, Mataxyl 500WP, Ridomil gold 68WG,… chú ý phun kỹ đảm bảo ướt lá và gốc cây.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra ruộng sắn đã mọc mầm để phát hiện sớm bệnh khảm lá để nhổ tiêu hủy và trồng dặm lại bằng giống sắn sạch bệnh để hạn chế lây lan.