Ngày 03/12/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 367/KH-UBND ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số, Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 với những mục tiêu cụ thể sau:
Đối với mục tiêu ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, phấn đấu đạt 100% tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. 100% tỷ lệ Cổng thông tin điện tử cấp tỉnh tuân thủ các quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP. 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC. 90% tỷ lệ DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử. 100% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các CQNN (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. 95% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng. 90% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng. 80% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 90% tỷ lệ báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...
Đối với mục tiêu ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng thành phố thông minh, phấn đấu đạt 100% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền. 80% tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 80% DVCTT cung cấp mức độ 3. 80% DVCTT cung cấp mức độ 4. 70% DVCTT mức độ 3 có phát sinh HSTT trên tổng DVCTT mức độ 3. 70% DVCTT mức độ 4 có phát sinh HSTT trên tổng DVCTT mức độ 4...
Đối với mục tiêu phát triển hạ tầng CNTT và an toàn thông tin, phấn đấu đạt 100% tỷ lệ phần mềm quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. 100% tỷ lệ CQNN từ cấp tỉnh tới cấp huyện kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. 100% hệ thống thông tin trong CQNN được phê duyệt theo cấp độ. 100% HTTT đã triển khai mức bảo vệ 4 lớp. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng hoàn thiện hạ tầng đảm bảo an toàn thông tin cho tất cả các hệ thống của tỉnh: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện.
Theo đó, nội dung xây dựng chính quyền số năm 2022 gồm những nội dung sau: Đối với nội dung “Xây dựng Chính quyền số”, sẽ triển khai: Phát triển Chính quyền số; Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng CNTT và an toàn thông tin; Phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT; Phát triển dịch vụ Đô thị thông minh.
Đối với “Xây dựng Kinh tế số”, sẽ triển khai ban hành các chủ trương, định hướng của Tỉnh về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến về kinh tế số trên các phương tiện thông tin và ở các cấp. Tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tài chính, ngân hàng trong Tỉnh về chuyển đổi số kinh tế số. Tổ chức, nhân sự và mạng lưới doanh nghiệp kinh tế số. Hoàn thiện hạ tầng và nền tảng số. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số và thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử. Khuyến khích sử dụng các công nghệ nền tảng mới trong các doanh nghiệp. Triển khai hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các doanh nghiệp...
Đối với “Xây dựng Xã hội số”, sẽ ban hành các chủ trương, định hướng của Tỉnh về phát triển xã hội số và chuyển đổi số cho người dân. Xây dựng và ban hành các quy định, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển xã hội số, chuyển đổi số cho người dân. Tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số và xã hội số trên các phương tiện thông tin và ở các cấp. Xây dựng Xã/Hợp tác xã mẫu về chuyển đổi số để làm các mô hình cho các xã, phường khác học hỏi và nhân rộng.