ại buổi nói chuyện, đồng chí Phan Ngọc Thọ đã dành thời gian để nhìn nhận và đánh giá lại quãng đường phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khởi đầu từ Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khoá X, đến bước ngoặt lớn là Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với cột mốc này, toàn đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà cùng dốc toàn lực, quyết tâm với mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là một quá trình lâu dài và trong quá trình đó, toàn tỉnh cũng đã phải đối diện với những bất lợi, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển như: đại dịch Covid, hậu quả của thiên tai bão lũ, sự chuyển giao giữa các thế hệ…, “mặc dù con đường này luôn tồn tại nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn buộc phải cố gắng hết mình để vượt qua” – đồng chí chia sẻ.
Quay trở lại với Ngành Tư pháp, đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh “Chúng ta cần phải nhận diện được cán bộ làm công tác tư pháp là ai, làm nhiệm vụ gì? nhận diện để từ đó xây dựng một cơ chế quản lý, giám sát, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực sự hiệu quả; và chỉ khi kết nối được đội ngũ này mới có thể phát huy sức mạnh của toàn bộ lực lượng cán bộ, công chức Ngành Tư pháp”.
Tính đến tháng 02 năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 305 công chức Tư pháp – hộ tịch, trong đó, có 9 thạc sỹ Luật, 251 Đại học Luật (chiếm hơn 85%). Nhìn chung, lực lượng công chức tư pháp – hộ tịch có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với Đề án “Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2023”, đồng chí Phan Ngọc Thọ đã trực tiếp yêu cầu và giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp (trong đó lưu ý đến vấn đề tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các cán bộ, công chức tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện); đảm bảo đạt được mục tiêu mà Đề án đã đưa ra.
Một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay đó là việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trong quá trình thực hiện Đề án này, Ngành Tư pháp đóng một vai trò vô cùng quan trọng, góp phần quyết định đến sự thành công của Đề án. Trong khi thực hiện, trường hợp có vướng mắc thì phải chủ động xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp; nếu thực hiện chưa tốt thì phải nhanh chóng, kịp thời củng cố, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Quan trọng nhất là phải “truyền được tinh thần bám sát, quyết tâm phấn đấu, thực hiện đến mỗi một cán bộ, công chức của Ngành Tư pháp”.
Bên cạnh công tác hộ tịch, đồng chí cũng bày tỏ sự quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Với đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện là 191 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là 1.582 người - đây chính là lực lượng nòng cốt, là tuyến đầu gánh vác tránh nhiệm giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân. Đồng chí cho rằng, với chức năng là một bộ phận của Ngành Tư pháp, công chức tư pháp phải “thể hiện hơn nữa vai trò là những người có chuyên môn, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở”. Bởi sự hiểu biết về luật pháp, kỹ năng hòa giải sẽ góp phần tích cực trong việc hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở, qua đó giúp hình thành trong mỗi người dân ý thức chấp hành pháp luật.
Buổi nói chuyện với đồng chí Phan Ngọc Thọ cũng là cơ hội để công chức tư pháp – hộ tịch được chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Hiện nay, công chức tư pháp - hộ tịch đang thực hiện và đảm đương khối lượng công việc, trách nhiệm vô cùng lớn. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng cơ sở vật chất cũng như trình độ dân trí chưa cao đã tạo ra nhiều áp lực, vất vả cho người làm công tác hộ tịch. Do đó, qua buổi nói chuyện hôm nay, đa phần các cán bộ, công chức đều bày tỏ mong muốn được quan tâm, bố trí, tạo điều kiện hơn nữa về chế độ đãi ngộ hợp lý, vị trí công tác, phương tiện làm việc, nâng cấp đường truyền Internet trong vận hành hệ thống liên thông và đặc biệt là việc tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kiến thức trong công tác hộ tịch, chứng thực, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở...
Qua buổi nói chuyện, đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Sở Tư pháp đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Ngọc Thọ và ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch, đồng chí khẳng định sẽ luôn “đề cao tinh thần trách nhiệm toàn thể cán bộ, công chức Ngành Tư pháp của tỉnh nhà.” Đồng thời “Phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp sức mạnh của Ngành Tư pháp trong nhiệm vụ thực hiện hoá “giấc mơ Huế” – một tâm huyết lớn lao của đồng chí Phan Ngọc Thọ dành cho mảnh đất Cố đô.
***Được biết, đây là lần thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức Ngành Tư pháp có hội được gặp gỡ, trao đổi cùng đồng chí Phan Ngọc Thọ. Tại buổi nói chuyện vào tháng 4/2021, với vai trò là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí cũng đã dành nhiều thời gian để chia sẻ, ghi nhận những kết quả công chức tư pháp - hộ tịch đã đạt được, đồng thời yêu cầu Ngành Tư pháp phải tiếp tục nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong việc tham mưu giải quyết các vấn đề tư pháp tại địa phương; lấy sự hài lòng của tổ chức, người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả để đánh giá thi đua hàng năm, trong quá trình tiếp xúc với người dân phải hiểu dân nói và nói cho dân hiểu.