Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Bệnh khô vằn hại lúa và biện pháp phòng trừ
Ngày cập nhật 03/04/2023

Bệnh khô vằn là bệnh gây hại phổ biến trên cây lúa. Bệnh thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, thiếu ánh sáng, và chủ yếu trong khoảng thời gian khi lúa phân hóa đòng và trổ bông. Đến ngày 25/3/2023, trên địa bàn thị xã lúa trà sớm (lúa 1 vụ) đã trổ hơn 10ha, lúa đại trà đang gian đoạn làm đòng và sẽ trổ vào đầu tháng 4. Vì vậy, thời điểm này cần theo dõi để phòng trừ bệnh khô vằn. Để giúp bà con phòng trừ hiệu quả bệnh khô vằn gây hại trên cây lúa trong vụ Đông Xuân này và vụ Hè Thu tới, xin giới thiệu tác nhân gây bệnh, triệu chứng và một số biện pháp phòng trừ như sau:

 

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh do một loại nấm có tên khoa học là Rhizoctonia solani Kuhn gây ra. Ngoài gây hại trên lúa, nấm bệnh còn gây hại cả trên rau cải, đậu, bắp, bầu bí, dưa, cà rốt, ớt…

2. Các triệu chứng của bệnh khô vằn

Là bệnh gây hại toàn thân, đặc biệt ở những nơi như bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Những bẹ lá gần mặt nước hoặc những bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi bị bệnh chính. Trên bẹ lá xuất hiện những đốm hình bầu dục màu xanh lục sẫm hoặc xám nhạt, sau đó lan rộng thành hình đám mây với những vết vằn như da hổ. Trong trường hợp nhiễm bệnh nặng, cả bẹ và lá phía trên đều bị chết. Vết bệnh trên lá giống như bẹ lá và thường lan nhanh, chiếm toàn bộ chiều rộng của lá, tạo thành các mảng màu đục hoặc da hổ. Những lá già hoặc những lá gần mặt nước xuất hiện đầu tiên, sau đó lan dần lên những lá phía trên. Vết bệnh ở cổ bông thường là một vết kéo dài quanh cổ bông, ở hai đầu vết bệnh có màu xám, phần giữa vết bệnh co rút lại, màu xanh lục sẫm.

Trên vết bệnh xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục, nằm rải rác hoặc thành đám trên vết bệnh. Các hạch nấm có thể dễ dàng rơi ra khỏi các vết bệnh rơi xuống nước lây lan qua bụi lúa bên cạnh hoặc nằm dưới đất, trong rơm rạ, tàn dư thực vật là nguồn lây lan bệnh chủ yếu cho vụ sau.

 

3. Đặc điểm phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm cao. Nhiệt độ khoảng 24- 320C và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều khi thời tiết có mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng quá cao, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, gieo cấy quá dày, các ruộng bón thừa phân đạm. Sự phát triển của bệnh khô vằn ở thời kỳ đầu từ cây mạ đến đẻ nhánh có mức độ bệnh ít. Giai đoạn đòng trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng nhất.

Sự phát sinh phát triển của bệnh có liên quan nhiều tới chế độ nước trên đồng ruộng và chế độ phân bón. Bón phân đạm nhiều, bón thúc đòng muộn bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn. Bón nhiều lần cũng làm cho mức độ bị bệnh cao hơn. Bón Kali có tác dụng là giảm mức độ nhiễm bệnh của cây.

Nguồn bệnh chủ yếu là hạch nấm tồn tại ở trên đất ruộng và sợi nấm ở gốc rạ và lá bị bệnh còn sót lại sau thu hoạch. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau thu hoạch lúa thậm chí trong điều kiện ngập nước ngắn hạn vẫn có tới 30% số hạch duy trì được sức sống, nảy mầm thành sợi và xâm nhiễm gây bệnh cho vụ sau. Quá trình xâm nhiễm lặp lại thường xảy ra qua tiếp xúc giữa hạch và bẹ lá lúa.

4. Một số pháp phòng trừ bệnh khô vằn trên lúa

Phòng trừ bệnh khô vằn chủ yếu là áp dụng các biện pháp tiêu diệt nguồn bệnh ở trong đất và quản lý kỹ thuật trồng trọt thâm canh thích hợp, cụ thể như sau:

Cuối vụ cần làm vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư những cây bị bệnh của vụ trước, cày sâu để vùi hạch nấm, phối hợp với các biện pháp gieo cấy đúng thời vụ, đảm bảo mật độ hợp lý; bón phân cân đối đạm-lân-kali, bón đúng giai đoạn sinh trưởng và tránh bón đạm quá nhiều giai đoạn đón đòng.

Điều tiết mực nước trong ruộng hợp lý phù hợp với giai đoạn sinh trưởng cây lúa. Tránh để mực nước trong ruộng quá cao, nhất là giai đoạn lúa làm ddonghf- trổ bông đó sẽ là điều kiện và môi trường tốt cho việc lây lan và phát triển của nấm bệnh.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm bệnh khô vằn để chủ động phòng trừ có hiệu quả. Đối với các chân ruộng có bệnh phát sinh gây hại cần sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Validamycin như Validacin 5L, Vali 5SL, Vivadamy 5WP,... hoặc thuốc Nevo 330EC, Mixperfect 525SC,…để phun trừ. Lưu ý phun kỹ vào ổ bệnh và các dãy lúa gần bờ kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ; nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.196.429
Truy cập hiện tại 40