Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giai cấp nông dân với lực lượng đông đảo, tấm lòng nhân ái, bản tính lao động siêng năng, cần cù, sáng tạo, chịu đựng khó khăn, gian khổ chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt; ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm… luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển đất nước. Nhận thức rõ vị trí chiến lược và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, ngay từ khi ra đời (03/2/1930), Đảng ta đã có chủ trương tiến hành xây dựng các tổ chức cách mạng quần chúng. Ngày 14/10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (nay là Hội Nông dân Việt Nam) nhằm tập hợp giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, tổ chức Hội với những tên gọi khác nhau, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi giai cấp nông dân - một lực lượng đông đảo và hùng hậu trong khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức đi theo con đường của cách mạng Việt Nam và Bác Hồ đã lựa chọn; xứng đáng là người đại diện cho lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, cầu nối vững chắc giữa giai cấp nông dân với Đảng, chỗ dựa tin cậy của chính quyền nhân dân ở nông thôn; góp phần to lớn vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam đã có bước phát triển về mọi mặt; tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với sự ra đời, phát triển của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sớm được hình thành và có những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựngquê hương, đất nước.
- Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đầu năm 1930, các tổ chức cộng sản được thành lập. Đông Dương Cộng sản Đảng hình thành các chi bộ trong một số nhà máy, trường học ở thành phố Huế.Đông Dương cộng sản liên đoàn sau khi thành lập cũng xây dựng cơ sở ở thành phố Huế và vùng nông thôn các huyện.
- Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thừa Thiên Huế được thành lập, do đồng chí Lê Viết Lượng làm Bí thư Tỉnh uỷ. Tỉnh uỷ đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 phát triển tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng.
- Tháng 6/1932, Ban Lãnh đạo TW của Đảng đưa ra chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó nhấn mạnh: “Cần phải kiên cố những đoàn thể cách mạng quần chúng, nhất là Công hội đỏ, Nông hội.
- Ngay từ khi mới thành lập, Đảng bộ đã tuyên truyền chủ trương độc lập dân tộc và người cày có ruộng của TW Đảng để động viên, cổ vũ và tập hợp nông dân. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, nông dân được tổ chức, tập hợp, tạo thành sức mạnh to lớn, đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú. Phong trào cách mạng trải qua các thời kỳ 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945 nông dân luôn là lực lượng đông đảo chống ách áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến.
- Nông dân Thừa Thiên Huế đã hưởng ứng những “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói” để góp gạo chia sẻ với bà con trong tỉnh và quỹ cứu trợ đồng bào miền Bắc đang bị đói nghiêm trọng. Bên cạnh biện pháp tạm thời đó nông dân trong tỉnh đã thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: “Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất nữa”. Ở các huyện trong tỉnh, nông dân đã thi đua nhà nhà trồng rau màu, rau màu được trồng ở các trảng cát, đắp ụ, vùng ven biển đến vùng núi phía tây hoang vu, tích cực chăm bón lúa mùa, trồng cây trái vụ, đoàn kết giúp nhau sản xuất, nên đã vượt qua nạn đói.
Hội Nông dân đã tham gia xây dựng các lớp Bình dân học vụ và các trường tiểu học. Năm 1949 - 1950, có 2/3 số xã trong tỉnh xoá nạn mù chữ, mở 61 trường tiểu học với hơn 10.000 học sinh, 5 lớp trung học với trên 300 học sinh.
- Trong năm 1948, ở Thừa Thiên Huế, “mặc dù bị giặc Pháp đốt hoa màu và bắn giết trâu, bò, mùa tháng 3 năm 1948 vẫn làm được và được mùa”, đến mùa tháng 8 nhờ thời tiết thuận tiện, thu hoạch được nhiều.
- Lúc chiến sự xảy ra, nông dân trong tỉnh đã đóng góp công sức cho kháng chiến, kịp thời phục vụ chiến trường. Những cố gắng của nhân dân trong tỉnh, những đóng góp của đội quân chủ lực cách mạng, đã góp phần với chiến trường tạo nên những chiến thắng to lớn, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ- Ne-Vơ về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông dương” vào ngày 20/7/1954, quân và dân Thừa Thiên Huế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng”.
- Nông dân trong tỉnh, đã góp phần mình tạo nên những chuyển biến mới, đưa phong trào chiến tranh nhân dân tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ trong những năm 1965-1967, được TW Mặt trận giải phóng tặng cờ “Anh dũng lập công vì sự nghiệp giải phóng miền Nam”, hàng trăm con em nông dân được Nhà nước phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, hàng chục anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nông dân Thừa ThiênHuế đóng góp sức người, sức của, chuẩn bị hậu phương, hậu cần, phục vụ chiến đấu, tích cực tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968 lịch sử. Nông dân không chỉ phục vụ chiến đấu mà còn tham gia chiến đấu, xây dựng lực lượng, phát triển du kích. Thắng lợi Xuân 1975 của Thừa ThiênHuế, góp phần tạo điều kiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh phát triển thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Sau ngày đất nước, quê hương hoàn toàn giải phóng, đứng trước hậu quả 30 năm chiến tranh, nông dân Thừa Thiên Huế lại bước vào cuộc chiến đấu mới nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định nơi ăn ở, khai hoang phục hoá ruộng đất, tham gia các chiến dịch rà phá bom mìn giải phóng đất đai, góp phần thực hiện chính sách của Đảng ở vùng mới giải phóng, xây dựng cuộc sống mới trong độc lập tự do.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với việc xác định nội dung phương thức hoạt động cụ thể, trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt.
Trải qua 9 kỳ Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh, mỗi kỳ đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của tổ chức Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh; khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội và lực lượng nông dân trong xã hội. Đặc biệt trong 02 ngày 19 và 20/9/2023, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, được tổ chức thành công tốt đẹp tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự Đại hội có286đại biểu đại diện cho gần 85.000 cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh về dự Đại hội.Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Đây cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.Đồng thời thông qua nghị quyết xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2023 - 2028 là: với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”,tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh ra sức đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tập hợp nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển du lịch, kinh tế biển, đầm phá, thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng cường quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trởthành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại hội đã bầu 29 uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ để đảm đương nhiệm vụ do Đại hội giao phó và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, tại thủ đô Hà Nội gồm có 12 người, trong đó có 1 đại biểu đương nhiên, 11 đại biểu và Đại hội cũng đã bầu 2 đại biểu dự khuyết.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Nông dân Nông dân tỉnh khoá X đã bầu 9 uỷ viên Ban Thường vụ; Đồng chí Nguyễn Chí Quang - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế khoá IX, tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2023 – 2028; các đồng chí Trần Văn Lập, Phan Văn Xuân và Phan Xuân Nam đều tái đắc cử chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế khoá X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, đã bầu Ủy Ban kiểm tra Hội Nông dân tỉnh gồm có 5 người. Đồng chí Trần Văn Lập - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Qua 93 năm xây dựng và trưởng thành, giai cấp nông dân Việt Nam nói chung, nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trải qua các thời kỳ cách mạng, được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, dìu dắt, Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, lãnh đạo giai cấp nông dân, liên minh chặt chẽ với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức thành một khối vững chắc, làm nòng cốt cho các phong trào cách mạng ở tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân tỉnh ThừaThiên Huế đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, tuyên truyền vận động nông dân tham gia vào các phong trào hành động cách mạng, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước của tỉnh nhà.
Ghi nhận, biểu dương thành tích giai cấp nông dân và Hội Nông dân tỉnh ta đã đạt được trong các giai đoạn cách mạng, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng nhiều huân chương và bằng khen cho tập thể, cá nhân cán bộ hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 01 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, 01 Cờ Thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh và 02 Cờ thi đua của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2018 và 2021; Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen về thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng 02 Bằng khen về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
BAN XÂY DỰNG HỘI
HỘI NÔNG DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ