UBND phường Hương Chữ xây dựng Kế hoạch Chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung sau:
I. Mục tiêu
- Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và người dân trong công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Chủ động, ngăn ngừa, hạn chế mức độ ô nhiễm, suy thoái về môi trường do tác động của con người và biến đổi khí hậu gây ra;
- Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên (như đất đai, môi trường, nước, khoáng sản...) và đa dạng sinh học theo hướng phát triển bền vững;
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã hợp lý và hiệu quả theo hướng thân thiện và bền vững;
- Thực hiện tốt và hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải tại các phường, xã góp phần xây dựng nông thôn mới và cải thiện môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.
II. Chỉ tiêu
1. Tỷ lệ cộng đồng dân cư các phường được tập huấn và tiếp cận tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đạt tỷ lệ trên 99%.
2. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh trên địa bàn phường đạt 100%.
3. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt trên 95%; Tỷ lệ rác thải được thu gom và phân loại để tái chế, tái sử dụng đạt trên 35%; định hướng đến năm 2030 đạt trên 45%.
4. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 23,3%.
5. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện về môi trường có đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường theo quy định đạt 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc theo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường đạt trên 85%.
6. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm làng nghề có hệ thống xử lý nước thải đạt trên 50%; 100% các cơ sở sản xuất đầu tư mới phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
7. Trồng mới 20.000 cây xanh phân tán.
III. Nhiệm vụ
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, quản lý tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức các ngành, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đưa vào nội dung giảng dạy trong trường học, giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức tự giác và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Thường xuyên phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường, hưởng ứng các ngày lễ về môi trường và biến đổi khí hậu, đưa các hoạt động về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trở thành nhiệm vụ trọng tâm; tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm ở các tổ dân phố để ngăn chặn, xử lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
2. Công tác chỉnh trang, xây dựng cảnh quan môi trường
Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, cấp thoát nước, hạ tầng, các thiết chế văn hóa - thể thao. Chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, các tuyến phố văn minh. Phấn đấu không để xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi, để vật liệu chiếm dụng lòng lề đường, không kinh doanh trên các tuyến đường, hè phố làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện ngầm hóa một số tuyến điện, viễn thông, áp dụng các biện pháp sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổ chức trồng cây xanh bảo vệ môi trường tại các xã vùng đồi núi, trung tâm các các tuyến phố, các đường làng, ngõ xóm tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu đến năm 2025, trồng mới 20.000 cây phân tán.
Phát triển hệ thống cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho cả khu vực nội thị và vùng ngoại thị; giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý nước thải khu vực nội thị.
Phối hợp triển khai thực hiện các dự án: chống xói lở hai bên hói 7 xã; xây dựng các khu tái định cư; xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, chất thải y tế độc hại; xây dựng Nghĩa trang nhân dân phường; hệ thống điện chiếu sáng dọc tuyến đường phía Tây thành phố Huế.
3. Bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Hương Trà sáng - xanh - sạch - đẹp”; phong trào “Chống rác thải nhựa” và “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần” trên địa bàn phường.
Ưu tiên, chú trọng việc tiếp nhận các dự án mới trong sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục phối hợp với các phòng ban triển khai quy hoạch bãi tập kết chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, khí thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu đô thị, dân cư.
Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước. Chống cạn kiệt, ô nhiễm chất lượng nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, suối.
a) Đối với phát triển nông nghiệp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tổ chức tập huấn cho nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh, sâu hại trên cây trồng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì đúng cách sau khi sử dụng; thường xuyên trình diễn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm… vận động nông dân sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng một cách đúng đắn, phù hợp, tiết kiệm, đảm bảo môi trường sinh thái và sức khỏe người sử dụng. Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng đồng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất nhằm hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch… gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt công tác diệt trừ các sinh vật ngoại lai gây hại.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Tiếp tục quản lý, bảo vệ chặt chẽ đất trồng lúa.
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, đa dạng vật nuôi, an toàn sinh học và bền vững; hình thành các trang trại có quy mô vừa và lớn theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường. Tuyên truyền, vận động người dân đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas nhằm giảm mùi hôi, diệt khuẩn có hại, xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là tăng khả năng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, hóa chất, thức ăn sử dụng trong chăn nuôi. Tập trung xây dựng hệ thống thu gom xử lý chất thải, nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
5. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư về bảo vệ môi trường ở phường và các tổ dân phố theo hướng phát triển bền vững gắn kết với mục tiêu xây dựng tổ dân phố văn minh đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường.
Xây dựng phong trào toàn dân, lực lượng tình nguyện, cộng tác viên bảo vệ tài nguyên và môi trường, đưa nội dung này vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng và thực hiện quy ước có quy định, cam kết bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các thôn, tổ dân phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp môi trường đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; triển khai thực hiện tốt các công trình, dự án liên quan đến bảo vệ môi trường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
7. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải.
Xây dựng điều chỉnh Phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải thị xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả để triển khai thực hiện trên toàn phường gồm các nội dung như sau:
a. Về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt:
- Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế đảm nhận tại tất cả các tổ dân phố trên địa bàn phường.
- Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát công tác thu gom rác thải thuộc địa bàn mình quản lý, phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế xác nhận khối lượng rác thu gom, vận chuyển, xử lý để làm căn cứ nghiệm thu thanh toán.
b. Công tác thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt
- Tiếp tục thực hiện công tác thu giá dịch vụ về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 94/2017/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 về Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 04/3/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về sửa đổi, bổ sung phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 94/2017/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh và các văn bản quy định hiện hành.
- Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường rà soát, xác định, phân loại đối tượng được cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn; lập phương án và triển khai thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác hàng năm đảm bảo theo kế hoạch.
- Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế tiến hành in ấn, phát hành biên nhận thanh toán tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt cho tất cả các tổ dân phố trên địa bàn (theo đúng thông tin sổ bộ do các tổ dân phố cung cấp) để tổ thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác theo sổ bộ.
- Hàng tháng, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế tổng hợp hồ sơ (bao gồm các biên bản xác nhận khối lượng, giá trị Công ty và Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường đã thực hiện trong tháng), lập biên bản xác nhận số tiền thu được và các chi phí liên quan (chi phí phát hành biên nhận của Công ty; chi phí thu tiền; thuế GTGT).
- Số tiền thu được từ giá dịch vụ, UBND phường chuyển cho Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế; Công chức Tài chính Kế hoạch phường chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, tham mưu cho UBND phường sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ này để phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn.
c. Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Thực hiện công tác truyền thông, triển khai hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Công văn số 4512/UBND-GT ngày 01/6/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giảm lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn.
Tập trung tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến từng người dân, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất – kinh doanh và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn; trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ nguồn thải về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân, hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Vận động sự tham gia cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội cũng như các cơ quan đơn vị trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Xây dựng chương trình giáo dục về môi trường trong trường học với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các cấp học. Nhân rộng những mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay.
Chú trọng nhân rộng các mô hình điểm về thu gom rác để làm phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu gom xử lý rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại các phường, xã; các mô hình phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Chỉ đạo các tổ dân phố căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn cho phù hợp. Dự kiến đến hết năm 2024 tất cả các tổ dân phố hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
IV. Tổ chức thực hiện.
1. Nguồn kinh phí thực hiện:
- Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
- Nguồn thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
- Nguồn huy động xã hội hóa từ người dân và doanh nghiệp.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh thông qua các Chương trình mục tiêu về bảo vệ môi trường, nguồn từ các dự án hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã theo hướng bền vững.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết hàng năm cho phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và dự trù nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.
2. Giải pháp thực hiện
- Các bộ phận chuyên môn và các ban ngành đoàn thể phường thường xuyên phối hợp, lồng ghép các chuyên đề về tuyên truyền bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thị xã một cách đa dạng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ dân trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Công chức Văn hóa - Thông tin, đài phát thanh phường và các tổ dân phố tăng chương trình và thời lượng truyền thông, đưa tin, bài, gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và những tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Tăng cường nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác bộ máy quản lý tài nguyên và môi trường từ cấp phường đến tổ dân phố để thực hiện tốt Kế hoạch chương trình bảo vệ môi trường thị xã giai đoạn 2021 - 2025.
- Đa dạng hóa việc đầu tư các cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị để phục vụ tốt công tác thu gom xử lý chất thải, rác thải trên địa bàn các tổ dân phố.
- Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phân vùng sử dụng hiệu quả về tài nguyên đất đai, môi trường, khoáng sản hiệu quả và tiết kiệm.
- Tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ phường đến tổ dân phố một cách cụ thể để phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo hướng phát triển và bền vững.
- Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động các nguồn lực trong công tác xã hội hóa để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải theo các mục tiêu và chỉ tiêu xây dựng.
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải; có chính sách hỗ trợ khuyến khích các mô hình phát triển đầu tư sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường để góp phần ổn định sản xuất theo hướng bền vững.
- Tổ chức thành lập Tổ kiểm tra về tài nguyên và môi trường của phường để kiểm tra, kiểm soát, xử lý khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, khí thải tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dân cư .
3. Phân công thực hiện:
3.1. Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường: Chủ trì, chịu trách nhiệm chính tổ chức tham mưu UBND phường trong việc thực hiện Kế hoạch này; phối hợp các hội đoàn thể, công chức chuyên môn phường, các tổ dân phố lập kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải các tổ dân phố từng năm có hiệu quả.
- Hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn các tổ dân phố; Tổ chức nghiệm thu, thanh toán trên cơ sở hồ sơ chi tiết, khối lượng nghiệm thu ban đầu.
- Giúp UBND phường đôn đốc tổ thu gom thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, tổng hợp và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện. Phối hợp với các phòng ban liên quan tham mưu, đề xuất UBND phường điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu mới phát sinh phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế ở địa phương.
- Hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung hoạt động một cách cụ thể; tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai kế hoạch.
3.2. Công chức Văn hóa - Thông tin và đài truyền thanh phường: Phối hợp Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền bằng phương tiện trực quan khẩu hiệu, panô, áp phích... để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ môi trường; xây dựng nội dung kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, tăng cường viết tin, bài và hướng dẫn đài truyền thanh phường để kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động về bảo vệ môi trường. Tăng chương trình và thời lượng truyền thông, đưa tin, bài, gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và những tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3.3. Các trường học trên địa bàn phường: phối hợp Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền giáo dục về pháp luật bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu vào trường học, đưa chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào các chương trình giáo dục ngoại khóa, lồng ghép để phát động phong trào bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các trường học; tổ chức tọa đàm, hội thi tìm hiểu về môi trường và biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức, ý thức cho các em học sinh trong trường học.
3.4. Công chức Tài chính – Kế toán: Trên cơ sở Kế hoạch chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 -2025 được UBND phê duyệt, có kế hoạch cân đối và tham mưu UBND phường phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư cho các nội dung hoạt động thuộc Chương trình này một cách hợp lý hàng năm.
Đối với công tác thu giá dịch vụ về thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 94/2017/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh: tham mưu UBND thị xã ban hành thông báo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác áp dụng trên địa bàn thị xã, áp dụng cho từng đối tượng cụ thể; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thu tiền dịch vụ đảm bảo theo quy định, thực hiện việc thu đảm bảo nguồn thu theo Kế hoạch hàng năm; tham mưu thực hiện quản lý nguồn thu và xây dựng phương án sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ về thu gom, vận chuyển rác thải đảm bảo quy định pháp luật.
3.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội: Phối hợp với UBND phường, Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường, các tổ dân phố phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là công tác phân loại rác thải tại nguồn.
3.6. Các tổ dân phố: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thuộc tổ dân phố mình quản lý; chủ động tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; thường xuyên phát động phong trào bảo vệ môi trường toàn dân vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, đưa công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành phong trào xã hội hóa để triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế thực hiện thu, trích nốp giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định.
- Chỉ đạo, vận động các hộ dân thực hiện tốt Phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt phường Hương Chữ giai đoạn 2021-2025.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đoàn thể, các tổ dân phố phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công chức Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường để triển khai thực hiện theo đúng nội dung của Kế hoạch này.