Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bênh hại cây ăn quả giai đoạn ra hoa kết trái
Ngày cập nhật 03/04/2023

Năm 2023 tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn thị xã Hương Trà khoảng 536ha, trong đó cây ăn quả có múi khoảng 350ha. Do ảnh hưởng của các đợt mưa rét kéo dài cuối năm 2022 - đầu năm 2023 nên năm nay cây ra hoa, đâm chồi muộn, hiện nay cây đang ra hoa kết trái.

Qua điều tra theo dõi định kỳ, Bệnh chảy gôm gây hại khoảng 60ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 10-15%, nơi cao 20- 40%, tập trung chủ yếu ở Hương Vân, Hương Bình, Bình Thành, hương Chữ... cục bộ một số vườn thoát nước kém, đất ẩm thấp tỷ lệ 50- 60%. Sâu đục thân, đục cành, bệnh muội đen, sâu vẽ bùa, câu cấu, rệp sáp gây hại rải rác.

Thời gian tới thời tiết còn diễn biến phức tạp, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn TT Huế, cuối tháng 3 nắng nóng xuất hiện, nền nhiệt độ cao hơn TBNN. Dự báo các đối tượng sâu bệnh trên sẽ tiếp tục gây hại gia tăng, đặc biệt bệnh chảy gôm, sâu vẽ bùa, ruồi đục quả, … sẽ gây hại nặng nếu không thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc phòng trừ. Chúng tôi xin hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ một số sâu bệnh hại cây ăn quả giai đoạn ra hoa kết trái như sau:

I. Công tác chăm sóc, bón phân:

- Hiện nay thời tiết nắng nóng, có ngày nắng nóng gay gắt cần tưới đủ nước để tạo điều kiện cho cây hấp thu dinh dưỡng, hạn chế rụng hoa, tăng khả năng đậu quả. Lưu ý nên tưới lượng nước vừa đủ ướt gốc trong một lần tưới, sau 3-5 ngày tưới lại lần 2 (tuỳ điều kiện chân đất, khu vực canh tác,…).

- Về phân bón, các vườn chưa bón phân đợt 2 trước khi cây ra hoa khẩn trương bón bổ sung phân kịp thời (vì cây đang ra hoa đậu quả nên tốt nhất là đào 4-6 hố chung quanh tán cây để bón phân). Theo dõi để bón phân đợt 3 giúp cây nuôi quả khi đường kính quả 2- 3 cm. Tùy thuộc vào tuổi cây để bón đủ lượng phân, trung bình bón khoảng 0,4- 0,8kg ure + 0,3- 0,6kg kali/cây kết hợp với bón phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma (hoặc bón khoảng 0,5- 1,2kg NPK16:16:8 cho 1 cây). Có thể kết hợp phun bổ sung Bo, Siêu lân... trước lúc ra hoa và khi quả có đường kính 2- 3cm để tăng khả năng đậu quả và phát triển quả.

II. Phòng trừ sâu bệnh:

Cần chú ý theo dõi để phòng trừ một số dịch hại chính như sau:

- Bệnh chảy gôm: Cây bị bệnh trên cành và thân có nhựa chảy ra, phần thân và rễ dưới mặt đất bị bệnh sẽ khô và thối, cây bị bệnh nhẹ sẽ giảm năng suất, nếu bệnh nặng cành khô và cây chết. Thường xuyên kiểm tra vườn, khi phát hiện cây bị bệnh dùng dao cạo sạch vết bệnh đến phần gỗ, lau sạch rồi dùng một trong các thuốc như Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Vimonyl 72WP, Ridozeb 72WP,... hòa nước để quét vào vết bệnh, quét 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày.

Hoặc dùng Agri-Fos 400 SL pha nồng độ: 1lít thuốc/1lít nước tiêm vào thân cây. Dùng khoan với mũi khoan có đường kính 6mm, khoan trên thân ở độ sâu 2- 3cm, độ cao cách mặt đất từ 40- 50cm (đường kính thân > 10cm). Liều lượng tiêm 30ml dung dịch thuốc đã pha/xilanh tiêm, tiêm 2 lần cách nhau 30 ngày.

- Sâu vẽ bùa: sâu non đục vào ăn thịt lá dưới lớp biểu bì của mặt phiến lá, tạo thành các đường hầm ngoằn ngoèo, lá non bị hại kém phát triển, cong queo, giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng chậm.

Cần theo dõi chặt chẽ các đợt lộc, nhất là sau khi mưa, sau bón phân và tưới nước để phun phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc như Virtako 40WG, Trigard 100SL, Radiant 60SC, Mectinsuper 37EC, ... Lưu ý nên phun phòng trừ sớm khi lộc non dài 1- 2cm hoặc thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.

- Ruồi đục quả: Ruồi cái trưởng thành sẽ chọc sâu vòi đẻ trứng vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng, vết chích trên mặt có mủ khô màu nâu. Trứng nở ra thành dòi sẽ đục sâu vào để ăn bên trong quả khiến quả bị nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh. Với vòng đời từ 20-30 ngày, ruồi đục quả phá hại từ khi quả non đến khi chín.

Biện pháp phòng trừ: Bao quả từ khi còn nhỏ (đường kính 2,0-2,5cm) cho đến lúc thu hoạch là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn ruồi đục quả và các loại côn trùng gây hại khác như rệp, bọ xít.... Trước khi bao, cắt tỉa những dé hoa còn sót không đậu quả, cắt bỏ các cành tăm và những quả nhỏ rồi phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lượt để diệt hết trứng, sâu non và nấm bệnh có sẵn trên mặt quả. Ngoài ra bao quả còn giúp quả tránh tiếp xúc trực tiếp ảnh nắng mặt trời làm da bị rám và nứt, làm màu sắc trái óng đẹp bắt mắt, cải thiện chất lượng quả và không gây hại môi trường.

- Các đối tượng khác như sâu đục thân đục cành, câu cấu, muội đen,… thường xuyên theo dõi để phòng trừ kịp thời trên diện hẹp.

Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả giai đoạn ra hoa kết trái. Mong bà con tham khảo thực hiện để có một vụ mùa sản xuất thành công.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.196.135
Truy cập hiện tại 20