Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hương Trà với những mục tiêu mới cho phát triển
Ngày cập nhật 31/08/2021

Thị xã Hương Trà vốn có vị trí địa-kinh tế rất thuận lợi: nằm trên trục giao thông đường quốc lộ 1A, cao tốc  Cam Lộ- Túy Loan, đường sắt Bắc Nam, liền kề thành phố Huế và được xác định nằm trong vùng đô thị lõi trung tâm của thành phố Huế trực thuộc TƯ trong tương lai; ngoài ra do địa hình đầy đủ cả ba vùng đồi núi, đồng bằng và vùng đầm phá ven biển. Với vị trí này, Hương Trà sẽ nhận được sự tác động phát triển lan tỏa của thành phố trung tâm đô thị Huế trong quá trình đô thị hóa, thông tin thị trường, phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, tiếp nhận khoa học-kỹ thuật-công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng liên kết kinh tế trong nước và quốc tế...

Thực hiện Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu lực từ ngày 01/7/2021; trong đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 6 đơn vị hành chính cấp xã: Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh và Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà vào thành phố Huế. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Hương Trà có 392,32 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 65.085 người; còn lại 09 đơn vị hành chính, gồm 05 phường và 04 xã; một số vùng đầm phá ven biển sẽ chuyển giao về thành phố quản lý địa giới hành chính của thị xã; những thay đổi về diện tích, dân số và những tiềm năng, lợi thế khác sẽ ít nhiều có sự tác động đến việc phát triển kinh tế- xã hội của thị xã. Nhưng với quyết tâm cao của thị xã về tận dụng những lợi thế, thời cơ, điều chỉnh các mục tiêu chiến lược để xây dựng Hương Trà trở thành địa phương có bước phát triển mới.

Khai thác lợi thế để phát triển:  Sau khi sáp nhập thị xã Hương Trà còn lại 09 đơn vị hành chính, nguồn lực đầu tư sẽ tập trung để phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng vừa có trọng tâm và trọng điểm để tạo điểm nhấn xứng tầm là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh.

Công nghiệp đang là thế mạnh phát triển của thị xã, là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của Tỉnh, với tỷ trọng giá trị sản lượng ngành công nghiệp Hương Trà chiếm khoảng 22% trong tổng giá trị công nghiệp của toàn tỉnh. Khu công nghiệp Tứ Hạ, cụm công nghiệp Tứ Hạ mở rộng, cụm công nghiệp Bình Thành thành lập mới....hứa hẹn là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư thực hiện các dự án tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Hương Trà với nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng khá lớn... là sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ là nơi phát triển ngành công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng cho nhu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

 Ngành dịch vụ tuy không còn là lợi thế so sánh, là ngành mũi nhọn phát triển của thị xã nhưng xu thế phát triển mới, tiếp giáp gần đô thị lõi trung tâm thành phố Huế sẽ đẩy mạnh các dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ logistic, bất động sản và và loại hình dịch vụ khác phát triển mạnh

Điều chỉnh chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội

Để phát huy các lợi thế, vượt qua các thách thức cần thiết thị xã phải nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng “Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”, thay vì “ Dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp” như trước đây. Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đô thị hóa một cách đồng bộ và hiện đại trước mắt đáp ứng tiêu chí chưa đạt theo quy định của đô thị loại IV và lâu dài nhằm đáp ứng những yêu cầu nằm trong vùng đô thị lõi trung tâm của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là Thành phố trực thuộc Trung ương. 

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thị xã tăng trưởng nhanh, bền vững.

 Xây dựng chính quyền đô thị vững mạnh để thực hiện công tác quản lý đô thị một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới với những chiến lược thay đổi sau khi thực hiện Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thị xã cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tập trung phát triển ngành công nghiệp - xây dựng: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục để mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3) và hình thành mới cụm công nghiệp Bình Thành để tạo mặt bằng thu hút đầu tư và bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư cho thuê đất triển khai nhanh các dự án như: sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế của Công ty MAYPU, sản xuất ống nhựa luồn cáp điện...Hỗ trợ Công ty cổ phần quốc tế Hello thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Tứ Hạ.  Phát triển công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; hỗ trợ công tác GPMB dể đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh đang thi công trên địa bàn.

Tăng cường triển khai các loại hình dịch vụ có lợi thế: Thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thành các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị xã như: nhà hàng tiệc cưới Phú Lành, các chi nhánh ngân hàng, cơ sở trưng bày và sửa chữa ô tô Trường Hải, Trung tâm thương mại dịch vụ tại phường Tứ Hạ; đầu tư nâng cấp các chợ lớn trên địa bàn thị xã như chợ Tứ Hạ, chợ Bình Điền. Đẩy mạnh phát triển hệ thống logistic dọc đường tránh phía Tây, QL1A và các địa điểm phù hợp khác để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, quan tâm xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có lợi thế cạnh tranh (may mặc, ghế đan xuất khẩu, các sản phẩm từ gỗ, nông lâm thủy sản), hàng thủ công truyền thống (nhang)….Tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ có lợi thế so sánh của Hương Trà như: giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ đô thị và bảo vệ môi trường, dịch vụ bất động sản...

 Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Trọng tâm là: mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ở các xã vùng gò đồi, nơi có nguồn nước và đất đai thuận lợi. Đẩy mạnh thực hiện chương trình “mỗi, xã phường một sản phẩm” (OCOP). Mở rộng diện tích trồng rau màu Vietgap, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nhân rộng đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác khuyến nông - lâm - ngư để chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Thí điểm trồng cây dược liệu xen dưới cây ăn quả và tán rừng. Tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Chú trọng đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo diện mạo đô thị: Tiếp tục tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Tập trung vào đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, hạ tầng các xã lên phường, chỉnh trang Quốc lộ 1A, tuyến đường ven sông Bồ từ Tứ Hạ - Hương Toàn, các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A vào trung tâm phường, xã; hoàn thành các đề án quy hoạch phân khu trung tâm các phường, xã; chỉnh trang vòng xuyến Quốc lộ 1A và đường tránh Huế, hạ tầng giáo dục, văn hóa, khu, cụm công nghiệp...

 Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa- xã hội: Nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đẩy mạnh tuyên truyền phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kiểm tra, đánh giá các phường, xã đủ điều kiện “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”  “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn thị xã theo hướng công bằng, hiệu quả.

Chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, kết hợp với các giải pháp phát triển đời sống văn hóa, tinh thần và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Tăng cường sự quản lý của nhà nước về công tác phòng chống các tệ nạn xã hội.

Với việc thay đổi các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở nắm bắt các thách thức và cơ hội của Hương Trà, tập trung đầu tư  các ngành mũi nhọn và với những giải pháp căn cơ; thị xã Hương Trà sẽ phát triển để tương xứng  với vị trí  và vị thế của thị xã nằm trong vùng đô thị lõi trung tâm của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị.

Huongtra.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.196.363
Truy cập hiện tại 31