Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kỷ niệm Ngày truyền thống Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 - 03/01/2023)
Ngày cập nhật 06/01/2023

Ngay từ những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Thông đạt số 1C/VP ngày 03 tháng 01 năm 1946 về công tác công văn, giấy tờ, trong đó Người đã chỉ rõ "tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia" và đánh giá "tài liệu lưu trữ là tài sản qúy báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình kế hoạch công tác và phương châm chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như khoa học kỹ thuật. Do đó, việc lưu trữ công văn, tài liệu là một công tác hết sức quan trọng". Xác định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của công tác lưu trữ đối với xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam và lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là "Ngày Lưu trữ Việt Nam".

 

Trong thông đạt số 1C/VP đã chỉ rõ quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về tính kế thừa những giá trị văn hóa quá khứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa to lớn của tài liệu lưu trữ là “Có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Người nghiêm khắc phê phán hiện tượng tùy tiện tiêu hủy tài liệu và coi đó là hành động “có tính cách phá hoại”. Người đã chỉ thị nghiêm cấm những hành động đó, đồng thời định rõ trách nhiệm của mỗi người đứng đầu cơ quan, mỗi công chức trong việc giữ gìn an toàn tài liệu. Ở văn kiện quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao giá trị của tài liệu lưu trữ và phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu, mà còn nêu lên những nguyên tắc, chế độ đối với công tác lưu trữ. Đối với những hồ sơ, tài liệu thực sự không có giá trị, muốn tiêu hủy phải tuân thủ theo một quy định nghiêm ngặt là: “Cấm không được hủy những công văn tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ”. Thông đạt còn đưa ra phương thức về quản lý hồ sơ tài liệu của quốc gia: “Xin nhắc rằng, hồ sơ hoặc công văn không cần dùng, sau này sẽ gửi về những Sở Lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tàng trữ”. Với quy định này, thông đạt thực sự đã đặt nền móng cho sự ra đời và nêu lên nội dung cơ bản nhất của nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ trong hệ thống lưu trữ của các nước XHCN. Định ra nguyên tắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và ý chí quyết tâm làm chủ đất nước, trong đó có quyền làm chủ của nhân dân ta đối với tài liệu lưu trữ. 

Thông đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện chỉ đạo đầu tiên hết sức quan trọng của Nhà nước ta về công tác lưu trữ. Văn kiện đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tùy tiện tiêu hủy hồ sơ tài liệu trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân ta về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ. Vì vậy, Thông đạt thực sự là một văn kiện có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển công tác lưu trữ ở nước ta. 

Ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có chức năng giúp Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ… Việc thành lập Cục Lưu trữ - cơ quan quản lý toàn quốc về công tác lưu trữ - đã khẳng định một bước tiến quan trọng về xây dựng tổ chức của ngành lưu trữ Việt Nam. Từ đây, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành lưu trữ nước ta với hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, hệ thống các văn bản pháp lý và cơ sở lý luận khoa học nghiệp vụ ngày càng hoàn chỉnh hơn. Đồng thời Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam ký Lệnh công bố vào ngày 11/12/1982.

Lần đầu tiên trong lịch sử, công tác lưu trữ Việt Nam, những quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu của Đảng, Nhà nước đã được thể chế hóa bằng một văn bản pháp luật, trong đó đã quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức, quản lý tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ. Pháp lệnh ra đời cũng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác lưu trữ; đánh dấu một bước tiến vượt bậc của ngành lưu trữ trong lĩnh vực xây dựng pháp luật lưu trữ và tổng kết các vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác lưu trữ ở Việt Nam.

Ngày 23/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Quyết định số 20-QĐ/TW về Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyết định số 21-QĐ/TW sáp nhập Cục Lưu trữ thuộc Viện Mác-Lênin và Vụ lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương thành Cục Lưu trữ Trung ương Đảng để giúp cho Ban Bí thư quản lý thống nhất Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ tài liệu lưu trữ quốc gia, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta.

Tại kỳ họp thứ 2, ngày 11/11/2011, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã họp và thông qua Luật Lưu trữ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012, càng nhấn mạnh hơn sự nghiệp của lưu trữ Việt Nam, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác lưu trữ từ trước đến nay. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Lưu trữ đã có tác dụng chỉ đạo rất to lớn và toàn diện đối với quá trình xây dựng, phát triển của công tác lưu trữ Việt Nam.

 Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, trải qua nhiều thăng trầm, ngành Lưu trữ Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác lưu trữ thống nhất, đồng thời tăng cường các giải pháp để bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia; tài liệu lưu trữ được Nhà nước khẳng định là của nhân dân và toàn dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung của dân tộc. Những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức ngành Lưu trữ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Ngành Lưu trữ Việt Nam có một đóng góp to lớn trong công tác tổng kết về lý luận và thực tiễn; những người gắn bó với ngành Lưu trữ, đã luôn nỗ lực hết mình để gìn giữ, phát huy giá trị những tài liệu lưu trữ quý giá, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.147.128
Truy cập hiện tại 148